Thông tư số 33/2015/TT-BCT đưa ra các quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật các thiết bị, dụng cụ điện trước khi đưa vào sử dụng và trong quá trình sử dụng, vận hành. Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân sử dụng, vận hành các thiết bị, dụng cụ điện phải kiểm định an toàn kỹ thuật; tổ chức kiểm định; tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Nội dung kiểm định được quy định cụ thể trong các quy trình kiểm định được ban hành tương ứng với từng loại thiết bị, dụng cụ điện, bao gồm một hoặc nhiều nội dung chính như: kiểm tra bên ngoài; Đo điện trở cách điện; Đo điện trở của các cuộn dây; Kiểm tra đội bền của điện môi; Đo điện trở tiếp xúc; Đo dòng điện rò; Đo các thông số đóng cắt thiết bị; kiểm tra hoạt động của các cơ cấu an toàn, các bộ phận có chức năng bảo vệ như bộ điều tốc, phanh hãm; v.v...
Đối với chu kỳ kiểm định, Thông tư nêu rõ, kiểm định lần đầu thực hiện trước khi đưa vào sử dụng, vận hành thiết bị, dụng cụ điện; Kiểm định định kỳ được thực hiện trong quá trình sử dụng, vận hành thiết bị, dụng cụ điện. Đối với các thiết bị trong dây chuyền đang vận hành không thể tách để kiểm định riêng lẻ, được kiểm định theo chu kỳ đại tu đây chuyền thiết bị. Kiểm định bất thường được thực hiện khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc khi đã khắc phục xong sự cố hoặc theo nhu cầu của các tổ chức/ các nhân sử dụng, vận hành thiết bị, dụng cụ điện.
Việc kiểm định các thiết bị, dụng cụ điện được thực hiện bởi tổ chức kiểm định đáp ứng yêu cầu quy định tại văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Khoa học và công nghệ hướng dẫn thực hiện Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa về yêu cầu, trình tự, thủ tục đăng ký lĩnh vực hoạt động đánh giá sự phù hợp và đã đăng ký với Bộ Công Thương theo quy định.
Nội dung quy trình kiểm định do tổ chức kiểm định xây dựng trên cơ sở quy trình khung do Bộ Công Thương ban hành. Trường hợp chưa có quy trình khung, tổ chức kiểm định xây dựng, ban hành quy trình kiểm định cho từng loại thiết bị trên cơ sở các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật nước ngoài được áp dụng tại Việt Nam; quy định, hướng dẫn của nhà chế tạo. Các hạng mục và phương pháp kiểm định phải được thể hiện trong từng quy trình cụ thể.
Kết thúc kiểm định, thiết bị, dụng cụ điện đạt yêu cầu phải được dán tem kiểm định ở vị trí không bị che khuất, dễ quan sát và tránh được tác động không có lợi của môi trường.
Tổ chức kiểm định có nhu cầu thực hiện kiểm định ác thiết bị, dụng cụ điện theo quy định tại Thông tư này, gửi hồ sơ đăng ký hoạt động kiểm định với Bộ Công Thương trực tiếp hoặc qua bưu điện hoặc qua mạng Internet vào hệ thống quản lý thông tin về tổ chức kiểm định an toàn kỹ thuật các thiết bị, dụng cụ điện trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương.
Thông tư này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 6/1/2017.